(QT) – Đến giờ, người dân Hướng Hoá vẫn truyền tai nhau câu chuyện về sự xuất hiện của cây cà phê trên quê hương mình. Hơn 100 năm trước, người Pháp thấy mảnh đất Khe Sanh có nhiều lợi thế lớn để trồng cà phê. Và từ đó, nhiều đồn điền cà phê của người Pháp sớm mọc lên giữa trùng điệp núi đồi, hương vị cà phê Khe Sanh cũng nổi danh từ đó. Trải qua bao biến động của lịch sử, những đồn điền cà phê bị chiến tranh tàn phá, bị bỏ hoang, xuống cấp và tưởng chỉ còn đọng lại trong những lời kể…
Trong quá trình kiến thiết cuộc sống mới, những người dân Hướng Hóa đã gắn bó và giàu có từ cây cà phê trên quê hương mình. Ông Nguyễn Ngọc Khả, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Hướng Hoá cho biết, toàn huyện hiện có khoảng 5.000 ha cà phê, chủ yếu là cà phê chè. Theo dòng hồi tưởng, ông Khả nhớ lại, khoảng năm 1994, Ban Nông nghiệp huyện đưa cây cà phê vào ươm trồng ở nông trường. Trước đó, loài cây này đã mọc rải rác trên những mảnh vườn, nương rẫy ở Hướng Hoá nhưng chưa mang lại giá trị kinh tế cao. Thế nên, một số người dân vẫn còn hồ nghi về tính hiệu quả của cây cà phê. Sự ra đời của nông trường đã nhóm lên niềm hi vọng cho bà con vùng cao. Họ có cơ hội làm quen với giống cà phê đảm bảo chất lượng; học cách trồng trọt, chăm sóc, thu hái; biết làm thế nào để bảo vệ cây trước dịch bệnh…
Nhiều gia đình tự tin nhân rộng diện tích cây cà phê trong vườn nhà, rồi đưa lên nương rẫy. Theo lời giới thiệu của Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện, chúng tôi tìm gặp ông Hồ Cài, Chủ tịch Hội Cà phê Khe Sanh. Trong căn nhà khang trang nằm ngay trung tâm xã Hướng Tân, ông Cài treo nhiều bức ảnh của các con với tấm bằng cử nhân trên tay. Ông khẳng định nếu không gắn bó với cây cà phê, chắc gia đình mình khó nuôi được 6 con học đại học. Trên địa bàn xã, ông Cài là một trong những người Vân Kiều đầu tiên trồng, thu mua, chế biến và làm giàu từ cây cà phê. Giờ đây, ông đang tri ân loại cây này bằng cách trở thành Chủ tịch Hội Cà phê Khe Sanh. Hễ thu xếp được thời gian, ông lại lặn lội đến những rẫy cà phê hướng dẫn bà con cách ươm trồng, hỗ trợ làm thủ tục vay vốn quay vòng; vận động sản xuất cà phê sạch… Không chỉ mang lại niềm vui cho cư dân bản địa như ông Hồ Cài, cây cà phê còn khiến cuộc sống nhiều người dân miền xuôi lên Hướng Hoá xây dựng kinh tế mới khởi sắc hơn.
Là một trong ba nông dân của tỉnh được tôn vinh tại Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6, anh Văn Viết Long (trú tại thôn Hướng Phú, xã Hướng Phùng) không giấu được sự xúc động khi nói về những ngày đầu khởi nghiệp gian khó. Năm 1998, anh Long rời miền quê Hải Phú, Hải Lăng lên xã Hướng Phùng. Bấy giờ, vừa đặt chân đến nơi, anh đã muốn quay về khi thấy một vùng đất thiếu thốn đủ bề. Điều níu bước chân anh chính là nhìn thấy cây cà phê sinh trưởng, phát triển tốt, hứa hẹn sẽ mang lại no ấm cho người trồng. Từ trồng thử nghiệm, đến nay, gia đình anh Long có hơn 14.000 gốc cà phê. Loài cây này đã giúp anh đẩy lùi sự nghèo khó. Cách đây khoảng 10 năm, người dân huyện Hướng Hoá khấp khởi mừng khi hay tin sản phẩm cà phê của quê mình có cơ hội bước chân vào thị trường Mỹ. Thời điểm ấy, Mỹ là nước nhập khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam.
Tuy nhiên, ta đưa sang Mỹ chủ yếu là cà phê cà phê vối – chủng loại mà nhiều người dân nước bạn không ưa chuộng. Trong khi đó, ở Hướng Hoá, phần lớn diện tích người dân trồng là cà phê chè với hương vị thơm ngon và ít cefeine. Vì vậy, nếu đạt đến tiêu chuẩn mà khách hàng đề ra, cà phê trồng ở Hướng Hoá hoàn toàn có cơ hội vươn tới đất Mỹ. Nhận thấy tín hiệu khả quan ấy, chính quyền huyện Hướng Hoá đã quyết tâm vào cuộc, tạo dựng thương hiệu cà phê Khe Sanh. Các cán bộ tâm huyết về từng thôn bản vận động trên địa bàn, phân tích cho người dân hiểu rõ hệ luỵ của việc hái quả xanh, trộn lẫn cành lá, mang đi ngâm nước cho tăng trọng lượng… Về phần mình, lãnh đạo huyện Hướng Hoá yêu cầu các doanh nghiệp, cơ sở thu mua, chế biến cà phê kiên quyết chỉ thu mua cà phê có tỉ lệ quả chín từ 95% trở lên, không chấp nhận cà phê bị ngâm nước, lên men, lẫn tạp chất.
Cùng với đó, huyện cũng ra “tối hậu thư” chỉ đạo các đại lý đăng ký giấy phép, cam kết thu mua cà phê đảm bảo chất lượng. Khi xuất cà phê ra khỏi địa bàn, sản phẩm phải chứng minh được nguồn gốc. Với những động thái mạnh mẽ như thế, chỉ sau vài mùa, tin vui đã đến với người dân Hướng Hoá. Vụ cà phê năm 2012, trị giá xuất khẩu cà phê trên địa bàn đạt 25 triệu USD. Giờ đây, nhắc lại tháng ngày xây dựng và bảo vệ thương hiệu cà phê Khe Sanh, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Nguyễn Ngọc Khả và các cán bộ tâm huyết đều xúc động. Điều khiến họ vui mừng nhất là ý thức của người dân đã nâng lên. Nhiều bà con tự nguyện liên kết với nhau thành lập nhóm hộ trồng cà phê. Thành viên mỗi nhóm thống nhất trong nội bộ và cam kết với doanh nghiệp những điều khoản nghiêm ngặt. Nếu hộ nào đó trong nhóm vi phạm thì sẽ bị phê bình, xử phạt và yêu cầu khắc phục.
Quang Hiệp